Cách burn-in tai nghe mới mua
Burn-in là gì và có cần thiết phải burn-in tai nghe mới?
Burn-in là thao tác cắm chiếc tai nghe bạn mới mua vào một thiết bị phát nhạc nào đó và cho tai nghe hoạt động bằng cách phát liên tục các bản nhạc hoặc các file âm thanh chuyên dùng cho quá trình burn-in trong khoảng thời gian đủ lâu để giúp tai nghe nhanh chóng đạt được trạng thái hoạt động tối ưu nhất.
Khi mới mua về, màng loa của tai nghe còn mới và khá “cứng” nên âm thanh phát ra còn khá “thô” và kém mượt mà so với các tai nghe đã qua sử dụng một thời gian đủ lâu. Đặc biệt ở các mẫu như onkyo E700m và ATH CKS770is. Vì thế burn-in cũng có thể hiểu như việc tập luyện cho tai nghe giúp cho màng loa mềm mại hơn, dao động và phản hồi tốt hơn với các file âm thanh từ đó người nghe sẽ cảm thấy nghe nhạc hay hơn. Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, sau khi mua tai nghe mới về mà cảm thấy nghe nhạc chưa được hay như mong đợi thì quá trình burn-in đúng cách sẽ giúp bạn cảm nhận được chất lượng âm thanh được cải thiện.
Hiện tại chưa ai có thể chỉ ra bằng chứng rõ ràng là sau khi burn-in chiếc tai nghe mới mua thì chất lượng âm thanh phát ra được cải thiện như thế nào. Một số người cho rằng burn-in là cách tốt nhất và nhanh nhất để chiếc tai nghe đạt được đúng chất lượng của nhà sản xuất đã thiết kế trong khi số còn lại cho rằng burn-in là việc làm không cần thiết vì tai nghe mới mua về cứ nghe nhạc bình thường và không cần quan tâm tới burn-in làm gì.
Dù bạn burn-in bằng cách nào hoặc là không cần burn-in, mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để tai nghe đạt được hiệu quả âm thanh cao nhất, nghe hay nhất đối với bạn mà điều này đôi khi khó xác định vì còn phụ thuộc nhiều vào khả năng thẩm âm mỗi người. Lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn là nếu bạn có thời gian và điều kiện thì có thể burn-in và cảm nhận sự thay đổi, nếu không thể chờ đợi quá trình burn-in quá lâu thì bạn hoàn toàn có thể bỏ qua không cần burn-in nữa mà sử dụng luôn theo cách bạn muốn.
Các cách burn-in tai nghe
Như đã nói ở trên, burn-in về cơ bản là cho tai nghe hoạt động liên tục trong nhiều giờ bằng cách phát các file âm thanh liên tục từ đó đạt được hiệu quả âm thanh mong muốn. Có ba cách burn-in tai nghe khác nhau và mỗi cách có những ưu nhược điểm riêng, bạn có thể cân nhắc chọn cho mình cách làm phù hợp nhất: burn-in tự nhiên, burn-in sử dụng phần mềm burn-in chuyên dụng và burn-in bằng các file âm thanh chuyên dùng cho việc burn-in.
Burn-in tự nhiên
Thực chất việc đeo tai nghe lên tai và nghe loại nhạc bạn thích cũng là một cách burn-in rất tự nhiên, bạn không cần phải có các file âm thanh thiết kế riêng cũng như phần mềm chuyên dụng. Cách burn-in này thường được những người dùng phổ thông áp dụng một cách hoàn toàn tự nhiên và thậm chí không biết là mình đang burn-in.
Ưu điểm:
+ Dễ thực hiện.
+ Có thể nghe nhạc luôn mà không phải chờ đợi nhiều giờ như các phương pháp burn-in khác.
+ Không phải kết nối tai nghe với thiết bị phát nhạc liên tục trong nhiều giờ liền.
Nhược điểm:
– Muốn đạt hiệu quả tốt cần nhiều thời gian, đôi khi khó cảm nhận được sự khác biệt giữa tai nghe mới mua và tai đã qua sử dụng.
Lưu ý: tai nghe mới mua do màng loa còn cứng vì vậy bạn không nên nghe nhạc liên tục trong nhiều giờ liền và chỉ nên chỉnh mức âm lượng vừa phải, đủ nghe để tránh cho màng loa bị tổn hại khi phát âm lượng quá lớn.
Burn-in sử dụng phần mềm
Để đơn giản và tự động hóa quá trình burn-in, hiện tại đã có phần mềm hỗ trợ người dùng burn-in tai nghe như phần mềm Burninwave Generator. Cách sử dụng phần mềm này như sau:
Giao diện phần mềm Burninwave Generator
– Chuẩn bị máy tính và phần mềm Burninwave Generator.
– Cắm tai nghe vào giắc 3.5mm trên sound card và chạy phần mềm burn-in trên máy tính.
– Bấm vào Generator và chọn một trong số các âm thanh sau: White noise, pink noise, pure test tone và frequency sweep. Bạn nên chọn Pink noise để đạt hiệu quả cao nhất và thời gian burn-in ngắn.
– Tick vào ô Enable rest period và thời gian phát nhạc cứ mỗi 120 phút lại nghỉ 30 phút (mặc định của phần mềm).
– Đeo tai nghe vào và bấm nút Play, khi đó bạn sẽ nghe thấy âm thanh xì xì phát ra giống như đang xem TV bị mất tín hiệu. Bạn kéo thanh trượt Volume ratio lớn dần tới khi nào có cảm giác âm thanh phát ra đủ nghe mà không cần phải cố gắng chịu đựng gì hơn (không quá lớn cũng không quá nhỏ). Sau đó bạn nhấc tai nghe ra khỏi tai và đặt tai nghe vào túi đựng hoặc hộp rồi để cho tai nghe được burn liên tục.
– Sau khoảng tầm 100 giờ burn-in liên tục (không tính thời gian nghỉ) bạn tiếp tục tăng dần âm lượng lên một chút xíu (tai của bạn sẽ có cảm giác phải chịu đựng âm thanh hơi lớn một chút so với bình thường) và burn-in trong khoảng 70 giờ tiếp theo ở mức âm lượng này.
– Sau khi đạt 70 giờ burn-in bạn tiếp tục tăng âm lượng lên một chút nữa đến khi nào tai có cảm giác phải gắng chịu đựng hơn nữa và burn-in tiếp trong khoảng 30 giờ là quá trình burn-in kết thúc.
– Như vậy sau tổng cộng khoảng 200 giờ burn-in liên tục ở ba mức âm lượng khác nhau, tai nghe của bạn gần như đã đạt tới độ “chín” và thể hiện được đúng bản chất âm thanh vốn có.
Lưu ý: Burn-in bằng phần mềm liên tục 200 giờ khá mất thời gian, bạn có thể burn-in hàng ngày khi làm việc tại công sở hoặc ở nhà. Trong trường hợp burn-in phát ra âm thanh xì xì có thể ảnh hưởng tới người bên cạnh, bạn nên đặt tai nghe vào hộp hoặc túi đựng để giảm thiểu ồn ào.
Ưu điểm:
+ Quá trình burn-in và nghỉ được tự động bởi phần mềm nên tránh được khả năng người sử dụng quên thao tác.
+ Không cần phải có các file âm thanh chuyên dụng.
Nhược điểm:
– Thời gian burn-in bằng phần mềm tương đối lâu.
– Quá trình burn-in phải kết nối tai nghe với máy tính nên không phù hợp khi cần di chuyển.
Burn-in bằng các file âm thanh
Ngoài hai cách burn-in nói trên còn có cách thứ ba là dùng những file âm thanh được thiết kế riêng cho mục đích burn-in để phát lặp đi lặp lại (loop) và xen lẫn những khoảng nghỉ. Nhìn chung cách burn-in này dễ thực hiện, bạn chỉ cần copy tất cả các file âm thanh vào điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, laptop…, chạy phần mềm nghe nhạc và cho phát lặp lại toàn bộ danh sách các file âm thanh đó là xong.
Sử dụng phần mềm phát nhạc Foobar2000 phát lặp lại các file âm thanh dùng để burn-in tai nghe
Ưu điểm:
+ Có thể thực hiện burn-in ngay cả khi bạn đang di chuyển, burn-in bằng bất cứ nguồn phát nào.
Nhược điểm:
– Bạn phải định kỳ kiểm tra tình trạng pin của nguồn phát nhạc tránh trường hợp pin hết nửa chừng.
Bạn có thể tải về công cụ burn-in và các file âm thanh dùng để burn-in tại đây.